Ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong Thư viện, Bảo tàng, Trung tâm văn hóa đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ngày đăng: 12/01/2023 09:04
Ngày đăng: 12/01/2023 09:04
Ngày 10/01/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch số 06/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong Thư viện, Bảo tàng, Trung tâm văn hóa đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh; đây là nội dung để triển khai thực hiện tốt Quyết định số 1520/QĐ-Ttg ngày 09/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ
Mục tiêu chung của Kế hoạch là tiếp tục đổi mới hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong các Thư viện, Bảo tàng, Trung tâm văn hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số tạo điều kiện để người dân có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống tri thức mở, linh hoạt với nhiều mô hình, từ đó hình thành thói quen, phát triển năng lực tự học tập, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập của địa phương.
Một buổi hoạt động ngoại khóa của các cháu trường Mầm non Thiên Nga tại Thư viện tỉnh Đắk Lắk
Đối với hệ thống Thư viện
Kế hoạch đề ra đến năm 2025, đạt 100% thư viện công cộng cấp tỉnh, 87% thư viện công cộng cấp huyện, 36% thư viện công cộng cấp xã, 60% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác có cung cấp dịch vụ phục vụ việc học tập suốt đời cho người sử dụng thư viện. Đến năm 2030, đạt 100%, 93%, 50% và 100% các chỉ tiêu tương ứng.
Đến năm 2025, đạt 100% thư viện tỉnh, 87% thư viện công cộng cấp huyện, 20% thư viện công cộng cấp xã, 60% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác có ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức hoạt động phục vụ việc học tập suốt đời cho người sử dụng thư viện. Đến năm 2030, đạt 100%, 93%, 30% và 100% các chỉ tiêu tương ứng.
Đến năm 2025, số lượt người sử dụng thư viện phục vụ nhu cầu học tập,
tìm kiếm thông tin, nâng cao hiểu biết tăng bình quân 10% mỗi năm. Đến năm 2030, tăng bình quân 10 - 15% mỗi năm.
Phấn đấu 100% bảo tàng triển khai giáo dục lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật vào năm 2030
Đến năm 2025, phấn đấu đạt 70% và đến năm 2030, phấn đấu đạt 100% bảo tàng xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật cho mọi người dân, chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên gắn với khung kiến thức, kỹ năng sống phù hợp và ứng dụng giới thiệu trưng bày các chuyên đề trên không gian số.
Đến năm 2025, phấn đấu số lượt khách tham quan chọn bảo tàng để nghiên cứu, học tập tăng bình quân 10% mỗi năm. Đến năm 2030, tăng bình quân 10 - 15% mỗi năm.
Đối với hệ thống trung tâm văn hóa các cấp
Đến năm 2025, phấn đấu đạt 80% và đến năm 2030, đạt 95% trung tâm văn hóa cấp tỉnh, trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện tổ chức, hỗ trợ nhu cầu hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch phù hợp với từng nhóm lứa tuổi, sở thích.
Đến năm 2025, đạt 70% và đến năm 2030, đạt 90% Nhà văn hóa, thể thao cấp xã, nhà văn hóa - thể thao thôn có lớp năng khiếu, câu lạc bộ, nhóm sở thích, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thu hút người dân đến tham gia sinh hoạt phục vụ việc đẩy mạnh học tập suốt đời.
Đa dạng hóa các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai
Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp, cụ thể như: Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về học tập suốt đời trong Thư viện, Bảo tàng, Trung tâm văn hóa; củng cố cơ sở hạ tầng, mạng lưới Thư viện, Bảo tàng, Trung tâm văn hóa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, hiện đại hóa phương thức tổ chức các hoạt động, dịch vụ phục vụ học tập suốt đời phù hợp với đối tượng ở từng vùng, miền, địa phương.
Đồng thời phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động phục vụ học tập suốt đời tại các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa, đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa (các di tích lịch sử, văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và bảo tàng).
Thu Hà