Để Luật Thư viện đi vào cuộc sống
Ngày đăng: 01/07/2020 03:50
Ngày đăng: 01/07/2020 03:50
Ngày 1.7.2020, Luật Thư viện được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14 sẽ chính thức có hiệu lực. Đó là một dấu mốc quan trọng đối với ngành thư viện, mở ra một thời kỳ mới trong phát triển văn hóa đọc của đất nước.
Luật Thư viện được ban hành đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác thư viện. Luật đã có những quy định cụ thể về chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện, bao gồm: Chính sách đầu tư, hỗ trợ và đẩy mạnh xã hội hóa. Đồng thời Luật đã có những quy định cụ thể về thành lập và hoạt động thư viện. Nhờ có những quy định này các thư viện sẽ buộc phải nâng cao năng lực để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình tích cực góp phần phát triển văn hóa đọc và tạo môi trường học tập suốt đời cho Nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam toàn diện. Luật Thư viện đã quy định các nguyên tắc hoạt động thư viện:
1. Lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm; tạo lập môi trường thân thiện, bình đẳng; bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng thư viện của tổ chức, cá nhân.
2. Tài nguyên thông tin được thu thập, xử lý, lưu giữ, bảo quản và phổ biến tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và chuẩn nghiệp vụ liên quan trong lĩnh vực thư viện.
3. Thường xuyên đổi mới sáng tạo về quy trình, sản phẩm thông tin, dịch vụ thư viện trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến.
4. Thực hiện liên thông thư viện.
5. Tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin, an ninh mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Vì thế, nếu các thư viện thực hiện nghiêm túc, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động sẽ từng bước được nâng lên.
Từ quy định này có thể nhận thấy người sử dụng thư viện không chỉ là đối tượng phục vụ đơn thuần mà đã trở thành trung tâm của hoạt động thư viện. Để đảm bảo quyền cho người sử dụng thư viện, Luật đã quy định 3 điều, gồm: Quyền, nghĩa vụ của người sử dụng thư viện và quyền của người sử dụng thư viện đặc thù. Đặc biệt, Điều 44 của Luật Thư viện đã có quy định cụ thể thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đến việc đọc của các đối tượng đặc biệt:
1. Người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin bằng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với điều kiện của thư viện.
2. Người sử dụng thư viện là người cao tuổi hoặc người khuyết tật mà không thể tới thư viện được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin tại nhà thông qua dịch vụ thư viện lưu động hoặc gửi qua bưu chính, không gian mạng khi có yêu cầu phù hợp với hoạt động của thư viện.
3. Người khiếm thị, người khiếm thính có quyền sử dụng tài nguyên thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều này và được tạo điều kiện sử dụng tài liệu in chữ nổi Braille, tài liệu nghe, nhìn, tài liệu ngôn ngữ ký hiệu hoặc tài liệu đặc biệt khác.
4. Trẻ em được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin phù hợp với lứa tuổi, cấp học tại thư viện cơ sở giáo dục và thư viện công cộng.
5. Trẻ em, người cao tuổi, thương binh, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn các khoản chi phí làm thẻ thư viện.
6. Người đang chấp hành hình phạt tù, học tập, cải tạo tại trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin của thư viện tại nơi giam giữ, học tập và chữa bệnh.
Để Luật Thư viện được áp dụng một cách hiệu quả, thực chất trong đời sống đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến thư viện trên lãnh thổ Việt Nam phải có sự hiểu biết và thực hiện nghiêm túc những quy định của Luật. Từ các cấp lãnh lãnh đạo, người quản lý thư viện, nhân viên thư viện, tổ chức, cá nhân hỗ trợ thư viện, các cộng tác viên đến người sử dụng thư viện. Để có được điều đó, công tác phổ biến và triển khai thực hiện Luật Thư viện, các văn bản hướng dẫn như Nghị định, Thông tư và các văn bản quy định liên quan cần được thực hiện một cách nghiêm túc có hiệu quả. Sắp tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức các lớp tập huấn để phổ biến và hướng dẫn thi hành Luật Thư viện. Nhiều Bộ, ngành và địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể để cùng đẩy mạnh đưa Luật vào cuộc sống. Mọi người đều hy vọng và tin tưởng: Luật Thư viện khi có hiệu lực thực sự sẽ tạo động lực cho thư viện và văn hóa đọc ở Việt Nam phát triển. Nhờ đó, người dân Việt Nam từng bước sẽ có điều kiện và môi trường tốt hơn, thân thiện hơn để tiếp cận thông tin và tri thức, thực hiện việc học tập suốt đời một cách dễ dàng, thuận lợi ở mọi nơi, mọi lúc.
Vũ Dương Thúy Ngà
Nguồn: http://vuthuvien.bvhttdl.gov.vn/articledetail.aspx?sitepageid=625&articleid=10991