Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc tỉnh Đắk Lắk năm 2025, nơi lan tỏa tình yêu với sách và thúc đẩy văn hóa đọc trong giới trẻ tỉnh Đắk Lắk
Ngày đăng: 04/07/2025 14:18
Ngày đăng: 04/07/2025 14:18
Thực hiện Kế hoạch phối hợp số 51/KHPH-SVHTTDL-SGDĐT-TĐĐL ngày 27/3/2025 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Sở Giáo dục và Đào tạo – Tỉnh đoàn Đắk Lắk về việc phối hợp tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Đắk Lắk năm 2025. Từ ngày 11/6 - 18/6, được sự phân công của Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Cuộc thi đã tổ chức chấm chọn các bài dự thi cấp tỉnh.
Tổ chức họp Ban Giám khảo, Tổ Thư ký Vòng Sơ khảo Cuộc thi ĐSVHĐ tỉnh Đắk Lắk năm 2025 và triển khai công tác chấm thi.
Thông qua việc tổ chức chấm thi Vòng sơ khảo Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Đắk Lắk năm 2025, nhằm tìm ra những gương mặt tiêu biểu, có khả năng truyền cảm hứng tích cực, lan tỏa và khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong cộng đồng, đặc biệt là đối với các em học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.
Trong số 5.092 bài được gửi đến từ 126 trường học tham gia dự thi, Hội đồng Giám khảo đã tổ chức chấm thi, xét chọn 03 Giải Tập thể và 38 Giải Cá nhân (bao gồm 01 Giải "Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk năm 2025"; 05 Giải Nhất, 06 Giải Nhì, 10 giải Ba, 14 Giải Khuyến Khích và 02 Giải Chuyên đề).
Căn cứ kết quả giải thưởng và Thể lệ Cuộc thi, Ban Tổ chức đã lựa chọn 06 bài dự thi đạt giải cao nhất (bao gồm 01 bài đạt Giải "Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk năm 2025" và 05 bài đạt Giải Nhất) để tham gia dự thi Vòng Chung kết toàn quốc Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2025 do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức và dự kiến sẽ tổ chức buổi Tổng kết Vòng sơ khảo Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Đắk Lắk năm 2025 vào ngày 11/7/2025.
Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Đắk Lắk năm 2025 là hoạt động ý nghĩa dành cho các em học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh nhằm khuyến khích việc chia sẻ, lan tỏa niềm yêu thích đọc sách, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho thế hệ trẻ. Từ đó, khơi dậy niềm đam mê, thúc đẩy phong trào đọc, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng; nâng cao năng lực tiếp cận thông tin, tri thức, khả năng sáng tạo, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam.
Cuộc thi nhận được sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn Đắk Lắk; sự hưởng ứng tích cực từ Phòng Văn hóa Khoa học và Thông tin, Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là sự hưởng ứng tham gia của các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông…(trước sáp nhập) trên địa bàn tỉnh.
Cuộc thi đã thu hút đông đảo các em học sinh, sinh viên từ các cấp học trên địa bàn tỉnh hưởng ứng tham gia, tạo nên sân chơi trí tuệ, bổ ích, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Số lượng bài dự thi năm 2025 (5.092 bài) tăng nhiều so với năm 2024 (3.060 bài), điều này thể hiện việc phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc đã đến gần với các em hơn, tạo nên được ngọn lửa đam mê, truyền cảm hứng và lan tỏa tình yêu với sách đến đông đảo các em.
Đa số các bài dự thi đạt giải năm nay được các em thí sinh đầu tư công phu cả về mặt nội dung lẫn hình thức. Những tác phẩm được thí sinh lựa chọn để giới thiệu rất phong phú về thể loại và đề tài, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Các bài dự thi bám sát chủ đề, đáp ứng yêu cầu Thể lệ của Cuộc thi. Nhiều bài thi có nội dung thể hiện được sự xuất sắc về ý tưởng, kỹ năng viết, sự sáng tạo, tư duy logic…, cách phân tích, dẫn dắt vấn đề rất thiết thực, gần gũi; có trang trí và thiết kế đẹp mắt, có tính thẩm mỹ cao, sáng tạo phù hợp với từng lứa tuổi học sinh; bố cục bài viết hài hòa, trang nhã, bắt mắt; chữ viết đẹp, rõ ràng (đối với bài viết), tạo ấn tượng tốt với Ban Tổ chức, Ban Giám khảo.
Với sự chỉnh chu, nắn nót trong từng dòng chữ, màu mực được viết tay rất cẩn thận, bài dự thi của thí sinh Nguyễn Thị Hồng Hạnh, lớp 12A5 trường THPT Lý Tự Trọng giới thiệu về tác phẩm và nhân vật truyền cảm hứng - Paven trong tiểu thuyết lừng danh “Thép đã tôi thế đấy” của tiểu thuyết gia người Nga Ni-ko-lai A-xtơ-rốp- xki đã gây ấn tượng đặc biệt cho Ban giám khảo. Trong bài viết có sự liên hệ chặt chẽ giữa sức mạnh tinh thần và nghị lực sống của người chiến sĩ cách mạng Pa-ven và câu chuyện vượt qua những thất bại của tác giả bài viết. Qua đó, thấy được những quan điểm, góc nhìn của tác giả bài viết về cuộc sống trong giới trẻ hiện đại, việc đổi thay tư duy, nhận thức, hành động để tiến tới thành công.
Có những bài dự thi đã tiếp cận đến những tác phẩm mới được xuất bản, chưa được nhiều bạn đọc biết đến. Điển hình như bài dự thi của thí sinh Thiều Nguyễn Vỹ Dạ, lớp 8A, Trường THCS Nguyễn Tất Thành, huyện Krông Năng với nhân vật “Cậu bé Đèn Pha” trong tác phẩm “Cánh diều hình nốt nhạc” của nhà văn Niê Thanh Mai. Đây cũng là cách để các em có những cảm nhận, phát hiện mới mẻ về giá trị của tác phẩm.
Hình ảnh về một số bài đự thi của các thí sinh
Bên cạnh những kết quả đạt được, Cuộc thi vẫn còn một số hạn chế như sau:
Công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai cuộc thi giữa các huyện, thị xã, thành phố chưa đồng đều. Bên cạnh những đơn vị triển khai tốt vòng Sơ khảo cấp huyện thì vẫn còn một số đơn vị chưa quan tâm đến Cuộc thi.
Bên cạnh những bài dự thi chất lượng tốt cả về nội dung và hình thức thì vẫn còn không ít bài thi có nội dung sơ sài, đối phó, sao chép, trùng lặp, thiếu tính logic, liền mạch, thể hiện việc tiếp cận với sách, tác phẩm văn học còn hạn chế. Các em sử dụng văn nói nhiều thay vì văn viết, cách dùng từ ngữ xưng hô đối với nhân vật chưa phù hợp, đặc biệt là các nhân vật lịch sử; lỗi chính tả, diễn đạt làm một số bài dự thi không được đánh giá cao. Một số bài dự thi được đầu tư công phu, hình thức bắt mắt song lại lạc đề giữa cảm nhận nhân vật và cảm nhận tác phẩm (ở khối Tiểu học và THCS); một số bài viết tiếp câu chuyện chưa phát triển đầy đủ cao trào, phần kết thúc câu chuyện chưa tạo được sự bất ngờ, hấp dẫn lôi cuốn người đọc; có tình trạng sử dụng công nghệ AI quá nhiều vào trong bài dự thi.
Bài dự thi vẫn còn thiếu tính cân đối giữa hai câu, phần lớn các bạn tập trung vào câu 1, đối với câu 2 chưa được chú trọng đúng mức. Ở câu 2 của đề, các em vẫn đi theo lối mòn của các năm trước đó là xây dựng kế hoạch, chưa hình dung và phân biệt được sự khác nhau giữa kế hoạch và sáng kiến, chưa xác định đối tượng hưởng lợi cụ thể. Nhiều bài viết không có trọng tâm, một số bài văn đi sâu phân tích các khía cạnh nhân vật, ngôn ngữ sử dụng… làm cho mạch cảm xúc của bài chia sẻ, cảm nhận bị đứt quãng, hạn chế tạo sự thăng hoa cảm xúc, chưa truyền cảm hứng đến với người đọc; một số bài dự thi chưa tuân thủ thể lệ đưa ra về các tiêu chí như nêu yếu tố xuất bản của tác phẩm...; phần lớn các bài dự thi video chưa đạt về cả nội dung lẫn chất lượng âm thanh, hình ảnh.
Một số trường triển khai cuộc thi, tham gia theo mô hình điểm, bài viết rất hay, súc tích, mạch lạc, ý tưởng phong phú, tuy nhiên lại vượt tầm so với suy nghĩ, nhận thức của lứa tuổi, không loại trừ có sự tham gia của thầy cô giáo và người lớn, vì vậy Ban Giám khảo không đánh giá cao chất lượng của các bài thi trên...
Như vậy, Vòng Sơ khảo Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Đắk Lắk năm 2025 khép lại cũng là thời điểm tỉnh Đắk Lắk (sau hợp nhất) được thành lập với hoạt động tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 02 cấp. Trong thời gian tới, Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Đắk Lắk sẽ mang tầm quy mô rộng lớn hơn, đòi hỏi chất lượng cuộc thi ngày càng cao hơn. Do đó, cần có sự chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn từ các cấp ban ngành trong tỉnh, phát huy tối đa nguồn lực trên địa bàn tỉnh, đảm bảo chất lượng bài thi tốt hơn trong những năm tới./.
Kiều Nhi