Nghiên cứu mô hình phục vụ của thư viện trường học
Ngày đăng: 17/01/2018 03:11
Ngày đăng: 17/01/2018 03:11
Đặt vấn đề
Thư viện trường học (TVTH) là một trong những bộ phận hỗ trợ công tác giáo dục bậc phổ thông. Với đối tượng phục vụ là bạn đọc nhỏ tuổi, hoạt động thư viện phải thoả mãn hai điều kiện: vừa tuân thủ theo những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về TVTH, vừa đáp ứng được nhu cầu và phù hợp với tâm sinh lý của học sinh. Đặc biệt, với phương châm giáo dục “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” hiện nay, thư viện cần phải có những thay đổi trong hoạt động phục vụ để đáp ứng yêu cầu hỗ trợ giáo dục trong bối cảnh hiện tại. Theo đó, việc nghiên cứu và học hỏi mô hình phục vụ trong TVTH trên thế giới là một trong những nhiệm vụ cần thiết để phát triển TVTH.
1. Mô hình thư viện trường học ở Việt Nam
Tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, một số mô hình TVTH đã đi vào hoạt động và đạt được những hiệu quả tích cực như: thư viện xanh, thư viện/ tủ sách lớp học, thư viện ngoài trời.
Thư viện xanh: Được hiểu là sản phẩm của quá trình thiết kế thư viện tại những khu vực có nhiều cây xanh. Đây là mô hình thư viện mang tính bền vững và thân thiện với môi trường, tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên (nước, năng lượng điện…). Lựa chọn vị trí thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt và học tập của học sinh, tận dụng không gian thoáng mát, rộng rãi, người làm thư viện (NLTV) đã thiết kế và xây dựng những khu vực đọc sách yên tĩnh, thoải mái, gần gũi với thiên nhiên, những kệ sách được đặt ngay dưới những tán cây xanh đã thu hút các em đến với thư viện. Các em học sinh được đọc sách, thảo luận trong một môi trường mới mẻ, trong lành và đẹp mắt.
Không chỉ mang đến cho các em một thế giới sách gần gũi, NLTV có thể kết hợp giáo dục các em tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường sống ngay từ những năm đầu ngồi trên ghế nhà trường.
Thư viện/ tủ sách lớp học: Nhằm mang đến cho các em học sinh sự thuận tiện trong quá trình tiếp xúc với sách và còn được biết đến với tên gọi “thư viện góc lớp”, một số trường tiểu học đã tạo điều kiện đưa sách vào lớp học. Một vài góc nhỏ trong chính phòng học của các em sẽ được thiết kế để đặt những kệ sách nhỏ, có thể tổ chức theo chủ đề khác nhau, cũng có thể tổ chức theo hình thức tủ sách chuyên đề để thu hút các em, tạo thói quen đọc sách cho các em ngay từ cấp học nhỏ nhất. Ưu điểm lớn nhất của mô hình này là tiết kiệm chi phí thực hiện, tiếp đó là tính tiện lợi dành cho cả học sinh và giáo viên. Việc đặt tủ sách tại các lớp học sẽ tăng cơ hội để các em học sinh tiếp xúc với tài liệu, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên rèn luyện cho các em thói quen đọc sách [1]. Hiện nay, một mô hình khác mang tên gọi “Tủ sách phụ huynh” do ông Nguyễn Quang Thạch khởi xướng từ ý tưởng “Sách hoá nông thôn ở Việt Nam” cũng được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ủng hộ và đã được triển khai phổ biến tại tỉnh Thái Bình [6]. Đây là những tủ sách được tài trợ bởi phụ huynh học sinh, được đặt tại các trường tiểu học và trung học cơ sở, do học sinh quản lý với mục đích chính là nâng cao số lượng đầu sách đọc hàng năm với mỗi học sinh.
Thư viện ngoài trời: Là mô hình thư viện tận dụng khuôn viên trống của nhà trường, với bàn, ghế, kệ sách được phân bố hợp lý trên diện tích sử dụng, thư viện ngoài trời ngày càng được NLTV ưa chuộng, tìm hiểu, nghiên cứu để đưa vào hoạt động. Khác với thư viện xanh, thư viện ngoài trời chỉ cần sử dụng không gian trống của trường để hoạt động, vì vậy, kinh phí thực hiện cũng tương đối ít, mục đích chính là để mở rộng phạm vi hoạt động của thư viện, hỗ trợ các em đọc sách mọi nơi, mọi lúc [1]. Đây là những mô hình thư viện đã được ra đời và áp dụng trên khắp cả nước trong vòng ba đến bốn năm trở lại đây.
Những mô hình trên đã bước đầu kêu gọi học sinh đọc sách nhằm xây dựng và phát triển văn hoá đọc, một hoạt động mang tính độc lập. Để phát triển toàn diện, thư viện trường tiểu học cần tổ chức nhiều hoạt động để thư viện có thể thực hiện các chức năng khác nhau, đáp ứng những yêu cầu mới của giáo dục tiểu học. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu và nghiên cứu mô hình phục vụ của hệ thống trường tiểu học quốc tế và những mô hình TVTH trên thế giới cũng là một yếu tố không thể thiếu để xây dựng và phát triển TVTH ở Việt Nam.
2. Mô hình thư viện trường học trên thế giới
Mô hình TVTH cho trường học công cộng California, Hoa Kỳ
Mô hình TVTH (hình 1) được Hội đồng Giáo dục bang California, Hoa Kỳ xây dựng và áp dụng cho hệ thống TVTH tại bang California từ thư viện nhà trẻ đến lớp 12. Mô hình gồm bốn tiêu chuẩn chủ đạo được xem như một quy trình hoàn thiện mà TVTH cần thực hiện [5]:
Thứ nhất, thư viện cần đảm bảo việc học sinh truy cập được thông tin: Học sinh cần biết cách nhận ra nhu cầu tin, nhận dạng và sử dụng nguồn tài nguyên trực tuyến dưới nhiều định dạng, có chiến lược tìm kiếm thông tin hiệu quả.
Thứ hai, thư viện cần hướng dẫn học sinh đánh giá thông tin chính xác, phân tích thông tin để tìm ra những nội dung phù hợp với nhu cầu.
Thứ ba, thư viện cần hướng dẫn học sinh biết cách sử dụng thông tin, bao gồm tổ chức, giải thích thông tin, sử dụng thông tin để giải quyết vấn đề.
Thứ tư, định hướng cho học sinh biết cách tổng hợp những kiến thức thông tin để phục vụ học tập, biết cách phản hồi và chia sẻ thông tin hợp lý và hiệu quả.
Mỗi tiêu chuẩn trên được liệt kê thành từng tiêu chí nhỏ tương ứng với từng cấp độ lớp học cho thấy tính thống nhất, chặt chẽ và bám sát khả năng của học sinh từng lớp. Ví dụ, đối với học sinh lớp 3, bốn tiêu chuẩn trên được cụ thể hoá như sau:
- Học sinh truy cập thông tin (Students access information):
+ Học sinh xác định được các từ khoá trong câu hỏi.
+ Phân biệt được nguồn tin sơ cấp và thứ cấp; hiểu được những cách tìm tin cơ bản qua nhan đề, tác giả, chủ đề và từ khoá; hiểu được cách sắp xếp tài liệu trong thư viện.
+ Giải thích được sự khác biệt giữa chia sẻ và quyền sở hữu thông tin, biết tổ chức thông tin một cách logic (ví dụ: bản đồ tư duy).
- Học sinh đánh giá thông tin (Students evaluate information):
+ Xác định những thông tin phù hợp để trả lời cho nhu cầu tin.
+ Xác định được bản quyền và năm xuất bản trên tài liệu in.
+ Hiểu được vai trò, trách nhiệm của tác giả và nhà xuất bản đối với tài liệu để xác định độ chính xác của tài liệu.
- Học sinh sử dụng thông tin (Students use information):
+ Xác định được những thông tin cá nhân, những phương thức phù hợp và không phù hợp để chia sẻ thông tin.
+ Biết tổ chức thông tin theo thời gian hoặc chủ đề.
+ Biết sử dụng các công cụ số và đồ hoạ để hỗ trợ cho bài học/ bài thuyết trình.
- Học sinh tổng hợp được kiến thức thông tin để ứng dụng trong các môn học (Students intergrate information literacy skills into all areas of learning):
+ Đọc sách theo đúng trình độ của mỗi lớp học với các thể loại: báo, tạp chí, văn học cổ điển, văn học đương đại...
+ Lựa chọn những công cụ và tài nguyên thông tin phù hợp để tương tác với những cá nhân khác.
Mô hình thư viện hỗ trợ học sinh học tập của Lyn Hay [6]
Mô hình thư viện trường học hỗ trợ học sinh trong học tập được Lyn Hay phát triển dựa trên nghiên cứu khảo sát học sinh lớp 5 đến lớp 12 tại các thư viện trường phổ thông ở một số bang của nước Ôxtrâylia.
Mô hình thể hiện hai nhiệm vụ quan trọng của thư viện, đó là “library as place” - một môi trường học tập tích cực, thoải mái giúp học sinh tiếp cận và nâng cao trình độ công nghệ thông tin, tìm kiếm thông tin phục vụ học tập và sở thích cá nhân, và “library as people” - thư viện đóng vai trò là người hướng dẫn trong việc phát triển những kỹ năng cần thiết, nâng cao chất lượng học tập và nghiên cứu, rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho học sinh trong quá trình học tập và sinh hoạt. Các hoạt động phục vụ và hướng dẫn mà thư viện cần chú trọng thực hiện nhằm hỗ trợ học sinh đạt được các kết quả tốt bao gồm giúp học sinh: hiểu, định vị và lựa chọn được thông tin phù hợp, truy cập và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, sử dụng, trình bày và phản ánh thông tin, tiếp cận tới các nguồn lực thông tin đa dạng và có chất lượng.
Mô hình sức mạnh của thư viện - “Library power” (1997)
“Library power” là một sáng kiến do Quỹ DeWitt Wallace-Reader’s Digest tài trợ cho 19 địa phương ở Hoa Kỳ nhằm chuyển đổi các thư viện trường học thành các trung tâm học tập giúp thay đổi phương pháp học tập và giảng dạy của trường tiểu học và trung học cuối thế kỷ XX. Mô hình bao gồm các yếu tố cấu thành chính sau [4]:
- Xác định tầm nhìn: Tất cả các bên liên quan (Ban Giám hiệu, giáo viên, NLTV) cần thống nhất các mục tiêu giáo dục của nhà trường và mục tiêu học tập học sinh cần đạt, đề ra các chiến lược cần thực hiện để thay đổi phương pháp dạy và học cũ bằng những phương pháp mới phù hợp, bao gồm các hoạt động thư viện hỗ trợ cho dạy và học.
- Tạo dựng môi trường cho sự thay đổi: Hoạt động của nhà trường và thư viện phải thay đổi do yêu cầu khách quan của sự phát triển xã hội và của cộng đồng đối với chất lượng học tập của học sinh. Thư viện cần cung cấp các dịch vụ và truy cập mở tới các nguồn lực thông tin cho học sinh, giáo viên và cộng đồng.
- Tăng cường hợp tác: Sự hợp tác cần được xây dựng giữa các thành viên trong nhà trường và giữa nhà trường với cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện, chia sẻ các quan điểm đa chiều về hoạt động thư viện và tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng về tinh thần và vật chất.
- Nâng cao khả năng lãnh đạo và hỗ trợ: NLTV của mỗi thư viện cần có trình độ chuyên môn, có khả năng kêu gọi sự ủng hộ của các bên liên quan trong nhà trường và cộng đồng (doanh nghiệp, phụ huynh học sinh).
- Xác định vai trò của các bên liên quan: Ví dụ, Hiệu trưởng đóng vai trò lãnh đạo đi đầu và định hướng trong mọi sự thay đổi, NLTV có trách nhiệm xây dựng và truyền đạt nội dung và kỹ năng thư viện - thông tin cho học sinh, phụ huynh đóng vai trò kiểm tra việc hoàn thành bài tập của học sinh.
- Phát triển nguồn lực thông tin: Bao gồm việc xây dựng các bộ sưu tập phù hợp với chương trình giảng dạy và giúp học sinh tự học, đầu tư mới hoặc cải tạo thư viện về trang thiết bị, công nghệ và nguồn lực thông tin điện tử nhằm thu hút học sinh sử dụng thư viện.
- Đánh giá kết quả hoạt động thư viện thông qua các phương pháp khác nhau và công bố cho cộng đồng nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho những đổi mới tiếp theo.
Nghiên cứu về việc áp dụng mô hình “Sức mạnh của thư viện” tại các trường học cho thấy sự tăng cường đầu tư trang thiết bị - cơ sở vật chất và vốn tài liệu cũng như mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa giáo viên và NLTV là những yếu tố tác động tích cực đến chất lượng dạy và học trong nhà trường. Việc áp dụng mô hình đã giúp học sinh được trang bị các kỹ năng tự học, biết sử dụng kỹ năng thư viện - thông tin trong quá trình học tập và giải trí, giúp giáo viên tích hợp nội dung và các kỹ năng thư viện - thông tin trong các bài giảng trên lớp. Mô hình cũng khuyến khích nhà trường và NLTV đề cao vai trò và sự tham gia của phụ huynh học sinh trong việc tổ chức các chương trình của thư viện, tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng để xây dựng thư viện hiện đại, giúp NLTV nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển các kỹ năng mới như khả năng lãnh đạo và quan hệ công chúng.
Nhìn chung, việc tham khảo các mô hình hoạt động thư viện trên thế giới cho thấy một số hoạt động và nội dung chính được chú trọng bao gồm:
- Tổ chức các dịch vụ thiết thực góp phần hỗ trợ hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh;
- Xây dựng các chương trình giáo dục về kỹ năng thư viện - thông tin phù hợp với các nhóm tuổi của học sinh;
- Tổ chức các hoạt động thư viện đa dạng để NLTV kết hợp với giáo viên, cùng với sự hỗ trợ của phụ huynh góp phần hình thành, phát triển văn hoá đọc và kỹ năng sống toàn diện cho học sinh;
- Phát triển vốn tài liệu và cơ sở vật chất - trang thiết bị phù hợp, đáp ứng nhu cầu của học sinh trong môi trường giáo dục hiện đại;
- Xây dựng mối quan hệ phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau giữa NLTV, giáo viên và phụ huynh trong quá trình xây dựng và phát triển hoạt động thư viện.
3. Những ưu điểm cần học tập từ mô hình thư viện trường học trên thế giới
Qua việc tham khảo, tìm hiểu và phân tích các mô hình phục vụ của thư viện trên thế giới và đối chiếu với mô hình thư viện trường học ở Việt Nam, có thể rút ra nhận xét về ưu điểm của mô hình phục vụ TVTH trên thế giới như sau:
- Chú trọng đào tạo kết hợp giữa kiến thức và kỹ năng: Nếu như các mô hình phục vụ TVTH trong nước tập trung vào xây dựng và phát triển văn hoá đọc thì mô hình TVTH trên thế giới nghiên cứu sâu về hành vi và kiến thức thông tin của học sinh. Theo đó, NLTV và giáo viên cần nỗ lực, hợp tác để nâng cao hiệu quả sử dụng thư viện và kỹ năng thông tin của học sinh. Như vậy, trong quá trình học tập tại thư viện, học sinh có điều kiện để phát triển các kỹ năng liên quan đến việc tìm kiếm và sử dụng thông tin.
- Mở rộng và nâng cao vai trò của thư viện: Với những hoạt động được tổ chức trong các mô hình thư viện của nước ngoài, vai trò của thư viện không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài liệu mà còn đào tạo cho học sinh những kỹ năng cơ bản như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng giao tiếp… rèn luyện cho học sinh tư duy độc lập và học tập một cách tự giác. Như vậy, thư viện đã hỗ trợ nhà trường trong quá trình đào tạo học sinh phát triển toàn diện.
- Sự phối hợp giữa giáo viên và NLTV trong giảng dạy, hỗ trợ học sinh: Qua việc tham khảo các mô hình TVTH trên thế giới, có thể thấy sự phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa NLTV và giáo viên trong việc giới thiệu, lựa chọn và sử dụng tài liệu thư viện đến việc tổ chức các hoạt động ngoại khoá của học sinh. Sự liên kết giữa NLTV và giáo viên mang đến nhiều thuận lợi trong việc giáo dục học sinh sử dụng thư viện, hình thành kỹ năng thông tin, đọc sách, học tập và rèn luyện.
Tóm lại, hoạt động của TVTH không chỉ đơn giản là “các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và phục vụ tài liệu” [2] mà còn là những hoạt động và dịch vụ hỗ trợ cho học sinh trong quá trình học tập và phát triển toàn diện. Dựa trên cơ sở đó, những ưu điểm này nên được tham khảo, tìm hiểu trong việc cải tiến mô hình phục vụ của TVTH ở Việt Nam.
Kết luận
Các nghiên cứu về mô hình TVTH trên đây phần nào đóng góp những ý tưởng xây dựng mô hình phục vụ cho TVTH ở Việt Nam. Nếu được xây dựng và phát triển phù hợp với yêu cầu giáo dục của thời đại, kết hợp với việc tham khảo những mô hình phục vụ của TVTH nước ngoài, trong tương lai, hệ thống TVTH ở Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa, NLTV trường học sẽ mang hình ảnh thư viện đến gần hơn với học sinh, khẳng định vai trò thư viện trong sự nghiệp giáo dục phổ thông.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Vũ Bảo Khuyên.Nghiên cứu công tác giáo dục trong thư viện trường tiểu học ở Việt Nam // Thông tin thư viện phía Nam. - 2015. - Số 39. - Tr. 31-36.
2. Giang Anh Thơ.Nâng cao hiệu quả công tác phục vụ thiếu nhi tại các thư viện trên địa bàn thành phố Cần Thơ : Luận văn thạc sỹ Khoa học Thư viện. - Tp. Hồ Chí Minh: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 2012. - 134 tr.
3. Nguyệt Hà. Sẽ nhân rộng mô hình tủ sách phụ huynh. http://baochinhphu.vn/Doi-song/Se-nhan- rong-mo-hinh-tu-sach-phu huynh/237232.vgp. Truy cập ngày 27/9/2015.
4. Barbara K. Stripling.Library Power : A model for School Change, American Association of School Librarians. Http://www.ala.org/aasl/sites/ala.org. aasl/files/content/aaslpubsandjournals/slr/edchoice/SLMQ_LibraryPower_InfoPower.pdf. Truy cập ngày 01/10/2015.
5. Faye Ong.Model School Library Standards for California Public Schools: Kindergarten Through Grade Twelve, The California Department of Education, Sac- ramento, CA. Http://www.cde.ca.gov/be/st/ss/documents/librarystandards.pdf. Truy cập ngày 10/10/ 2015.
6. Lyn Hay.Student learning through Australian school libraries, Part 2: What students define and value as school library support. http://www.slav. schools.net.au/synergy/vol4num2/hay_pt2.pdf. Truy cập ngày 25/9/2015.
______________________
ThS. Bùi Vũ Bảo Khuyên
Khoa Thư viện - Thông tin học, ĐH KHXH&NV Tp. HCM
Nguồn: Thư viện Quốc gia