Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng (kỳ 1)
Ngày đăng: 17/04/2023 09:38
Ngày đăng: 17/04/2023 09:38
Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ đã xác định: Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Trên tinh thần đó, văn hóa đọc đang được định hình, phát triển.
Kỳ 1: Xây dựng văn hóa đọc - những thách thức
Với chủ đề "Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc", Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 hướng đến làm thay đổi thói quen đọc sách, đẩy mạnh hơn việc phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Đó là cả một quá trình, vì trong thực tế, văn hóa đọc vẫn còn khá xa lạ với không ít người.
Học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) tìm hiểu và chọn sách tại gian trưng bày sách của Thư viện tỉnh tại Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột. |
Định hình văn hóa đọc
Văn hóa đọc là một trong những nguồn năng lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững. Ngay từ ngày xưa, cha ông ta đã coi việc đọc sách là một hành vi văn hóa cao đẹp. Sưu tầm sách, xây dựng tủ sách, thư viện cũng là một phần của việc hình thành văn hóa đọc. Còn trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách là sản phẩm văn hóa tinh thần, là kho tàng tri thức, là người thầy vĩ đại thắp sáng nguồn tri thức vô tận, hướng con người tới những giá trị nhân văn cao cả.
Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg chọn ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Từ ngày 1/7/2020, Luật Thư viện số 46/2019/QH14 được thi hành, tại khoản 1 Điều 30 quy định ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. |
Có thể nói, văn hóa đọc là một hành trình để con người đi tìm kiếm tri thức, giá trị cho bản thân, nó không chỉ thể hiện ở việc đọc sách, đọc nhiều mà nó còn được thể hiện ở nhiều khía cạnh. Bởi, văn hóa đọc là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Với mỗi cá nhân, nó được cụ thể hóa bằng thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Nói cách khác, đây chính là thái độ, cách ứng xử của chúng ta với tri thức, sách vở, phải biết đọc sách sao cho hợp lý và bổ ích, hợp với quy luật tiếp cận tri thức. Đó chính là nền tảng của một xã hội học tập, của việc học suốt đời, một yêu cầu cũng là một thách thức của xã hội hiện đại.
Sức đọc chưa cao
Thực tế, hiện nhiều người còn xa lạ với khái niệm văn hóa đọc. Ông Nguyễn Anh Dũng, người sáng lập Công ty Cổ phần Sbooks, Hội viên Hội Xuất bản Việt Nam chia sẻ mối quan tâm về việc nhiều người Việt hiện rất ít đọc sách, đa số tìm đến sách chỉ vì mục đích học tập nghiên cứu chứ chưa vì niềm yêu thích, chưa đầu tư thời gian, kinh phí cho việc đọc sách. Ông Dũng cho hay, trong chương trình tọa đàm trực tuyến "Văn hóa đọc và phát triển ngành xuất bản trong tương lai" diễn ra vào cuối tháng 10/2021, chuyên gia đầu ngành đã thông tin, trong giai đoạn từ năm 2014 - 2019, tỷ lệ đọc của người Việt tăng từ 4,1 đầu sách/người lên 4,6 đầu sách/người. Năm 2020, do dịch bệnh mà con số này giảm xuống 4,13 đầu sách/người. Như vậy sau 7 năm, tỷ lệ đọc của người Việt chỉ tăng vỏn vẹn 12%. Trong số hơn 400 triệu bản sách phát hành đã có hơn 300 triệu bản sách giáo khoa, sách tham khảo. Nếu lấy phần còn lại chia đều cho 90 triệu dân, phần sách phổ thông chỉ khoảng 1 đầu sách/người. Chỉ số này nói lên rằng sức đọc của người Việt rất thấp.
Ông Nguyễn Anh Dũng (bìa trái), người sáng lập Công ty Cổ phần Sbooks, Hội viên Hội Xuất bản Việt Nam chia sẻ về văn hóa đọc với các sinh viên. |
Chị Helena Vân, một nhiếp ảnh gia có nhiều năm du học và làm việc tại nhiều nước trên thế giới chia sẻ, thực tế chị thấy ở nước ngoài, đơn cử là nước Nhật, người dân đọc sách khá nhiều. Họ thường để sách trong túi, tranh thủ những thời gian rảnh như trên tàu điện ngầm, giờ nghỉ trưa để đọc sách. Nhưng ở Việt Nam, việc đọc sách còn rất hạn chế, đặc biệt là đối với trẻ em nói chung và trẻ em vùng sâu, vùng xa.
Tuy một vài dẫn chứng đơn lẻ như trên chưa thể khái quát được về thực trạng văn hóa đọc hiện nay, nhưng có thể thấy việc công chúng không còn mặn mà với sách và đọc sách là một thực tế không thể phủ nhận. Một số bạn trẻ thổ lộ rằng, ngoài sách chuyên môn phục vụ việc học, làm việc của bản thân thì hầu như mọi người rất ít mua sách, cần gì thì tra cứu trên mạng Internet.
Với sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện nghe nhìn hiện đại , cùng sự bùng nổ của Internet đã làm cho người ta dễ dàng quên đi thói quen đọc sách để thay vào đó là lướt web, nghe nhạc, xem phim, chơi game… Một bộ phận không nhỏ lớp trẻ bây giờ còn dành quá nhiều thời gian cho việc vào mạng xã hội hoặc nếu có đọc thì chỉ thích đọc truyện tranh... Điều đó đã khiến văn hóa đọc trong đời sống người dân rất mờ nhạt; chưa được yêu thích, hành xử phù hợp. Vì vậy cần phải thay đổi rất nhiều để hướng họ vào văn hóa đọc. Một trong số đó chính là thay đổi và đa dạng các cách thức phù hợp với từng độ tuổi, tầng lớp để người dân gần với sách, tiếp cận sách mọi lúc mọi nơi, kích thích sự khám phá, đam mê của mỗi người…
(Còn nữa)
Kỳ 2: Đa dạng phương thức tiếp cận sách
Mai Sao