Tỉnh Đắk Lắk tham dự Hội nghị Sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện
Ngày đăng: 19/11/2024 15:01
Ngày đăng: 19/11/2024 15:01
Ngày 15/11/2024, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thi hành Luật thư viện tại Nhà Văn hoá Lao động tỉnh Lâm Đồng, do đồng chí Trịnh Thị Thuỷ - Thứ trưởng Bộ VHTTDL dự và chủ trì.
Về dự Hội nghị có đồng chí Kiều Thuý Nga - Vụ trưởng Vụ thư viện, đồng chí Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cùng đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam… Dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở Văn hoá - Thể thao, Sở Giáo dục - Đào tạo các tỉnh và lãnh đạo thư viện, viên chức phụ trách công tác chuyên môn trên cả nước. Tỉnh Đắk Lắk cử 04 đại biểu tham dự: 01 Lãnh đạo Sở VHTTDL, 01 lãnh đạo Phòng Nếp sống - Gia đình - Văn hoá, 01 lãnh đạo thư viện và 01 viên chức phòng chuyên môn.
Đ/c Trịnh Thị Thuỷ - Thứ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu khai mạc tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ VHTTDL đồng chí Trịnh Thị Thuỷ - Thứ trưởng nêu rõ: Luật Thư viện số 46/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Luật ra đời đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác thư viện, là dấu mốc quan trọng trong hoạt động thư viện và phát triển văn hoá đọc của Việt Nam. Cùng với các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, Luật Thư viện đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, định hướng phát triển thư viện trong truyền bá tri thức, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của nhân loại, góp phần tạo môi trường học tập suốt đời và xây dựng nền tảng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện….Theo đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh - Hội nghị lần này, chúng ta nhằm nhìn nhận, đánh giá chung về thực trạng áp dụng Luật thư viện vào hoạt động thư viện trong 5 năm qua, cũng như đánh giá những kết quả đạt được, chưa được hay còn vướng mắc hạn chế thì cần đưa ra bàn bạc, đề xuất tại Hội nghị để kịp thời sửa đổi, bổ sung góp phần hoàn thiện Luật thư viện trong thời giới tới.
Toàn cảnh Đại biểu về dự Hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện
Sau bài phát biểu của đồng chí Thứ trưởng, đồng chí Kiều Thuý Nga -Vụ trưởng Vụ Thư viện lên báo cáo tóm tắt tình hình thực thi của Luật Thư viện trong 5 năm qua; Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng - đồng chí Phạm S lên phát biểu chào mừng Hội nghị và một số đại biểu đại diện các đơn vị, ban ngành liên quan lên góp ý tham luận sơ kết 5 năm về thực thi Luật Thư viện.
Đặc biệt, tại Hội nghị các đại biểu đều đi sâu tập trung chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi và thảo luận xoay quanh năm nội dung chính, cụ thể: 1/ Đánh giá sơ kết tình hình triển khai và kết quả 5 năm thực thi Luật Thư viện; 2/ Các điều kiện bảo đảm và tuân thủ Luật Thư viện; 3/ Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai Luật Thư viện; 4/ Đánh giá thực tiễn triển khai các quy định, một số nội dung chính của Luật Thư viện; Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, xã hội đối với việc phát triển thư viện, văn hóa đọc trong cộng đồng, xây dựng xã hội học tập; giải pháp xây dựng và duy trì thói quen đọc sách; 5/ Đề xuất, kiến nghị, giải pháp hoàn thiện thể chế, tăng cường hiệu lực và tổ chức thi hành có hiệu quả Luật Thư viện.
Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cho thời gian tới như sau:
- Tập trung công tác tham mưu, công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện. Tiếp tục nỗ lực bằng mọi cách để cả hệ thống chính trị, tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương nhận thức đầy đủ, sâu sắc và trọng tâm, trọng điểm hơn về vai trò, vị trí, ý nghĩa của công tác thư viện, công tác phát triển văn hóa đọc đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới.
- Tiếp tục tổng hợp các ý kiến bổ sung, đóng góp của các đại biểu để điều chỉnh phù hợp với hoạt động thực tế của ngành thư viện. Đề nghị Vụ Thư viện, trong quá trình tham mưu cho Chính phủ, Bộ, ngành thì tất cả các văn bản liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc cần phải xin ý kiến góp ý, phản biện của các cơ quan liên quan, đặc biệt là Hội Thư viện Việt Nam.
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.
Đề nghị các Bộ, ngành địa phương thực hiện hiệu quả công tác quản lý, củng cố và phát triển mạng lưới thư viện; đổi mới hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc gắn với việc xây dựng môi trường văn hóa tại cơ sở. Cần trang bị cơ sở vật chất cho các đơn vị cơ sở; quan tâm đầu tư giải pháp công nghệ vào hoạt động thư viện, quan trọng là nguồn kinh phí để nâng cao hệ thống phần mềm, thư viện số, hiện đại hoá thư viện theo yêu cầu của thời đại mới; nguồn lực con người cần quan tâm...
Chủ động nghiên cứu, lựa chọn xác định các thư viện có vai trò quan trọng để ưu tiên đầu tư. Nâng cao hiệu quả chương trình phối hợp công tác giữa Bộ VHTTDL, giữa các ngành và các địa phương; hệ thống thư viện cả nước cần tập trung nâng cao đào tạo trình chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thư viện để đáp ứng được yêu cầu tình hình mới trong công tác tham mưu, tổ chức thực hiện, các nhiệm vụ phát triển thư viện, hoạt động thư viện cũng như văn hóa đọc, hưởng thụ văn hoá phục vụ người dân tự đọc, tự học suốt đời.
Các thành viên của Nhóm 3 chia sẻ, trao đổi về chuyên đề tại Hội nghị
Cùng ngày trong buổi chiều, các đại biểu tham gia làm việc nhóm theo kế hoạch, tiếp tục chia sẻ, trao đổi, thảo luận và đề xuất giải pháp liên quan đến việc thực thi Luật Thư viện có hiệu quả trong thời gian tới. Tại buổi thảo luận, Ban tổ chức đưa ra 06 chuyên đề và chia thành 03 nhóm thực hiện. Đoàn đại biểu Đắk Lắk tham gia thảo luận cùng các đại biểu trong khu vực Liên hiệp ở nhóm 03 với chuyên đề: “Thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai hoạt động mô hình thư viện cơ sở. Đề xuất giải pháp”.
Đoàn Đại biểu tỉnh Đắk Lắk cùng Đại biểu các tỉnh thành chụp hình lưu niệm
Hải Yến